Kinh Chuyển Pháp Luân là bài kinh đầu tiên mà Đức Phật Thích Ca thuyết giảng, đánh dấu sự hiện hữu chính thức của Phật giáo trên thế giới. Bài kinh này không chỉ là cột mốc lịch sử mà còn là phương pháp tu tập quan trọng giúp con người thoát khỏi khổ đau và phiền não. Để hiểu rõ hơn về khái niệm Chuyển Pháp Luân và nội dung sâu sắc của kinh Chuyển Pháp Luân, mời quý vị cùng Phúc Lâm Sơn Đồng tìm hiểu qua bài viết sau.
Chuyển Pháp Luân là gì?
Chuyển Pháp Luân là một thuật ngữ mang nhiều ý nghĩa trong Phật giáo. Để hiểu rõ hơn về thuật ngữ này, chúng ta có thể tách nghĩa từng từ: “luân” có nghĩa là bánh xe, “pháp luân” là bánh xe Phật pháp. Trong đạo Phật, “pháp luân” tượng trưng cho giáo pháp của Đức Phật, bao gồm Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, và Trung Đạo. Còn “chuyển” có nghĩa là chuyển động. Khi kết hợp lại, “Chuyển Pháp Luân” chính là sự chuyển động và lan tỏa giáo pháp Đạo Phật đến xã hội, biểu tượng cho nền giáo dục Phật Đà.
Chuyển Pháp Luân cũng được biểu tượng hóa bằng hình ảnh một bánh xe tám nhánh, tượng trưng cho Bát Chánh Đạo và sự lan tỏa của Phật pháp. Đây là con đường giúp con người tìm thấy sự giải thoát. Bánh xe này cũng mang ý nghĩa là sự vận hành không ngừng của pháp luân, không bị chặn đứng bởi bất kỳ ai hay bất kỳ điều gì.
Một cách đơn giản hơn để hiểu, Chuyển Pháp Luân chính là việc chuyển đổi nhận thức và trạng thái tâm linh của con người, từ bị ám ảnh bởi khổ đau, phiền não sang trạng thái bình an và tự do hơn bằng cách tu tập và áp dụng các nguyên lý Phật giáo. Qua đó, Chuyển Pháp Luân không chỉ là việc truyền bá giáo pháp mà còn là hành trình giúp con người đạt được sự giác ngộ và an lạc trong cuộc sống hàng ngày.
Ý nghĩa của Chuyển Pháp Luân
Theo quan niệm Phật giáo, chuỗi luân hồi là quá trình luân hồi và tái sinh vô tận của tâm linh. Mỗi hành động và ý niệm của hiện tại đều sẽ có hậu quả và kết quả riêng, tạo ra nhiều chuỗi luân hồi tiếp theo. Chuyển Pháp Luân đề cập đến việc lăn bánh xe chân lý cuộc đời để những chân lý và đạo đức của Đức Phật được tiếp cận chính mình lẫn mọi người. Ý nghĩa của Chuyển Pháp Luân chính là nhờ tiếp cận được những giáo lý của Đức Phật mà con người khắp cõi được giải thoát khỏi mọi khổ đau, phiền não.
Bằng cách nghe theo và thực hành những nguyên tắc và giá trị đạo lý Phật pháp, con người có thể làm sạch tâm thức, từ đó tự tạo ra những hành động và ý niệm đúng đắn. Khi đã đạt đến sự giác ngộ và tự do tại tâm, con người có thể tránh khỏi những ác nghiệt, khổ đau chốn nhân gian. Đức Phật đã dành suốt 40 năm để thuyết giảng cho đệ tử và mọi người về việc lăn bánh xe chân lý đến với chúng sinh. Mỗi ngày Ngài giảng được cả thảy 5 bài kinh, tổng cộng số bài pháp chân lý mà Ngài giảng được đã lên đến con số 84.000 bài. Những người tu tập theo tinh thần Chuyển Pháp Luân sẽ rất lạc quan, yêu đời. Họ sẽ chủ động có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
Theo ghi chép, Đức Phật đã Chuyển Pháp Luân ba lần:
- Lần đầu là tại Vườn Nai cho năm anh em Kiều Trần Như về Tứ Diệu Đế.
- Lần thứ hai là tại núi Linh Thứu cho các vị Bồ Tát về Pháp Hoa.
- Lần thứ ba là tại Núi Vọng Nguyệt cho các Bồ Tát về Kim Cang.
Mỗi lần Chuyển Pháp Luân đều có những đặc điểm và ý nghĩa riêng, đảm bảo phù hợp với khả năng của người nghe.
Nội dung chính của Kinh Chuyển Pháp Luân
Kinh Chuyển Pháp Luân
Kinh Chuyển Pháp Luân là bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật Thích Ca sau khi Ngài đã đắc đạo. Đức Phật Thích Ca đã thuyết giảng bài kinh này cho 5 người bạn đồng tu của mình trước kia là Kondanna (người Trung Hoa phiên âm là Kiều Trần Như), Bhaddiya, Vappa, Mahanama, Asaji. Bài thuyết pháp này được ghi lại trong Bộ Kinh Tương Ưng (Samyutta Nikaya) quyển V.
Phê phán quan điểm sai lầm của các học phái
Ở đầu bài kinh, Đức Phật đã đề cập rằng: “Hỡi này các Tỳ kheo, có hai cực đoan (anta) mà hàng xuất gia (pabbajitena) phải tránh…”
Cực đoan (anta) là khái niệm về một thái độ tột cùng hay thái quá cực điểm còn người xuất gia (pabbajitena) ý chỉ những người đã từ bỏ con đường thế tục để tìm kiếm sự giải thoát. Ở giai đoạn mà Đức Phật Thích Ca thuyết pháp cho 5 anh em ông Kiều Trần Như nói riêng và những người tu học Phật nói chung, Ngài đã nhắn nhủ rằng người xuất gia cần phải từ bỏ 2 con đường cực đoan và thái quá. Đức Phật Thích Ca phê phán 2 con đường này là con đường sai lầm, nếu cứ cố chấp mà theo sẽ không dẫn đến giải thoát tối hậu. Hai con đường ấy chính là:
- Sự dễ duôi trong dục lạc – Là thấp hèn, thô bỉ, phàm tục, không xứng phẩm hạnh của bậc Thánh nhân, và vô ích. Đây là con đường của sự đắm say dục lạc hay sung sướng thái quá.
- Sự thiết tha gắn bó trong lối tu khổ hạnh – Là đau khổ, không xứng phẩm hạnh của bậc Thánh nhân, và vô ích. Đây là con đường của những người luôn đắm chìm trong khổ đau thái quá.
Đức Phật Thích Ca đã cảnh báo hai con đường này sẽ cản bước sự giải thoát viên mãn cho người xuất gia. Trước khi Ngài xuất hiện ở Ấn Độ, đã tồn tại rất nhiều trường phái và giáo lý khác nhau với mục đích tìm kiếm con đường giải thoát. Tuy nhiên, thái độ đối với cuộc sống lại chỉ xoay quanh ham mê dục lạc và khước từ mọi ham muốn.
Chủ thuyết Lokayata (do Carvakas sáng lập) ám chỉ chủ thuyết vật chất hay duy vật, cho rằng con người chết là hết, bỏ lại tất cả. Vì thế mà chỉ có cuộc sống hiện tại là có thật, chủ trương tận hưởng mọi lạc thú “Hãy ăn, uống và tận hưởng mọi lạc thú, vì cái chết đến với tất cả”, và rằng: “Đạo đức là một ảo tưởng, chỉ có khoái lạc là thực tiễn. Chết là mức cuối cùng của đời sống. Tôn giáo là một thác loạn điên cuồng, một chứng bệnh thần kinh. Có sự ngờ vực tất cả những gì tốt đẹp, cao cả, trong sạch và bi mẫn. Lý thuyết của họ chủ trương thỏa mãn dục vọng, lợi kỷ và thô kệch, xác nhận ý chí tục tằn. Không cần phải kiểm soát khát vọng và bản năng bởi vì đó là phần di sản thiên nhiên của con người”.
Các giáo phái khắt khe tu tập khổ hạnh cho rằng chỉ có khổ hạnh mới giúp con người tìm thấy lối thoát. Chủ thuyết này được rất nhiều người áp dụng, ngay cả Đức Phật Thích Ca và 5 anh em Trần Kiều Như trước kia cũng tu tập theo chủ thuyết này nhưng cuối cùng lại không đạt được kết quả.
Chính vì thế Đức Phật khuyên các tu sĩ tránh xa hai cực đoan là tham dục thế gian và khổ hạnh ép xác, mà nên theo con đường trung đạo dẫn tới sự thanh tịnh, trí tuệ và giải thoát.
Những giáo lý được Đức Phật giảng trong bài pháp đầu tiên
Giáo lý về Trung đạo hay Con đường tám nhánh
Trung đạo (Majjhima Patipada) là con đường vượt lên trên hai thái cực khoái lạc thái quá và khổ hạnh thái quá. Theo từ điển Phật học: “Trung có nghĩa là bất nhị, là tuyệt hết đối đãi, là mục song phi song chiến, là đạo trung hòa không thiên lệch về một phía”, điều này có nghĩa là con đường trung đạo sẽ là con đường chấm dứt các đối đãi nhị nguyên như thường – đoạn, có – không, phải – trái,…
Theo cùng các giai đoạn phát triển của Phật giáo, sự hiểu biết và quan niệm về Trung đạo cũng có những thay đổi khác nhau. Chẳng hạn như Pháp tướng cho Duy thức chính là Trung đạo, Thiên Thai cho Thực tướng là Trung đạo, Hoa Nghiêm cho Pháp giới là Trung đạo…
Trong kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Phật đã giảng về Bát chánh đạo, con đường diệt khổ gồm tám nhánh: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định.
- Chánh kiến: Đức Phật dạy rằng cần phải thấy đối tượng một cách chân chính, thấy được nó là chính nó thì mới có thể đưa ra nhận định. Không thấy rõ tường tận, chỉ nhìn bằng cái nhìn chủ quan, thiên lệch hay cảm tính thì đều dẫn đến những nhìn nhận sai lầm. Để nhìn nhận đúng đắn, người tu tập cần phải loại bỏ quan niệm tà kiến, vọng tưởng, phong tục, tập quán, địa vị,… Đây cũng chính là yếu tố đầu tiên và tiên quyết trong giáo lý Trung đạo của Phật giáo.
- Chánh tư duy: Nghĩa là suy niệm chân chính. Điều này đòi hỏi đối tượng tư duy phải nhìn nhận đối tượng được tư duy một cách khách quan. Nghĩa là chủ thể tư duy phải nuôi dưỡng từ tâm, ôn hòa với khách thể được tư duy để loại bỏ những thái độ vị kỷ, tà tâm khi đánh giá đối tượng ấy.
- Chánh ngữ: Nghĩa là lời nói chân chính. Điều này sẽ xuất phát từ tư duy chân chính, mục đích không dừng lại ở sự thực về đối tượng mà còn phải hướng đối tượng đến sự hoàn thiện hơn.
- Chánh nghiệp: Là tạo nghiệp chân chính, đơn giản là hành động chân chính.
- Chánh mạng: Mang nghĩa là cuộc sống chân chính.
- Chánh tinh tấn: Đức Phật dạy rằng việc nỗ lực thực hành trong sự chân chính sẽ diệt trừ những hạt giống xấu xa và phát triển tâm thiện. Muốn giải thoát không phải một sớm một chiều mà cần có tư duy, có thực hành, có nỗ lực mới có thể thành công.
- Chánh niệm: Nghĩa là luôn phải tỉnh giác trong lời nói, hành vi, cử chỉ. Nỗ lực nhưng không có sự tỉnh giác thì kết quả sẽ chẳng thể như dự định.
- Chánh định: Được hình thành từ nỗ lực không ngừng nghỉ trong tỉnh giác. Chánh định mang nghĩa là an trụ tại một đối tượng duy nhất, đối tượng ấy chính là tâm thức của chính mình. Điều này sẽ giúp tâm ta ngày càng được thanh tịnh, những yếu tố vô minh dần dần được loại bỏ.
Giáo lý Tứ Diệu Đế
Đức Phật mở đầu bài kinh bằng việc khuyên người xuất gia từ bỏ hai thái cực cực đoan, lựa chọn con đường Trung đạo. Sau đó Đức Phật đã đề cập tiếp về Tứ Diệu Đế như một bài pháp cơ bản của toàn bộ giáo lý Phật pháp. Đây cũng là mục tiêu duy nhất của Phật giáo khi hiện hữu tại thế gian này.
Đức Phật giảng về Tứ Diệu Đế, là bốn chân lý vi diệu về sự khổ (Khổ đế), nguyên nhân của sự khổ (Tập đế), sự diệt khổ (Diệt đế) và con đường diệt khổ (Đạo đế).
- Khổ đế: Đức Phật giảng rằng “Đây là Khổ Thánh đế”. Như vậy, hỡi các Tỳ kheo, đối với các pháp chưa từng được nghe trước kia, nhãn quan, tri kiến, trí tuệ, giác ngộ, quán triệt đã khởi lên: Đây là Khổ Thánh đế. Khổ là đặc tính chung của đời sống, có nhiều hình thái và tính chất khác nhau, nhưng không ai có thể tránh khỏi sự đau khổ. Khổ có nhiều loại, khổ của thân và khổ của tâm như sinh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly, cầu bất đắc, oán tắng hội…
- Tập đế: Đức Phật giảng rằng “Đây là Khổ Tập Thánh đế”. Như vậy, hỡi các Tỳ kheo, đối với các pháp chưa từng được nghe trước kia, nhãn quan, tri kiến, trí tuệ, giác ngộ, quán triệt đã khởi lên: Đây là Khổ Tập Thánh đế. Khổ do lòng ham muốn và sự tham ái gây ra, đó là nguồn gốc của khổ. Trong Kinh nói, nguồn gốc của khổ là ái, tham dục, sự quyến luyến vào cuộc sống và sự không thỏa mãn.
- Diệt đế: Đức Phật giảng rằng “Đây là Khổ Diệt Thánh đế”. Như vậy, hỡi các Tỳ kheo, đối với các pháp chưa từng được nghe trước kia, nhãn quan, tri kiến, trí tuệ, giác ngộ, quán triệt đã khởi lên: Đây là Khổ Diệt Thánh đế. Diệt đế là sự chấm dứt hoàn toàn của khổ, là Niết Bàn. Để đạt được Diệt đế, chúng sinh cần tu tập và thực hành để đạt được sự giải thoát hoàn toàn khỏi mọi khổ đau.
- Đạo đế: Đức Phật giảng rằng “Đây là Khổ Diệt Đạo Thánh đế”. Như vậy, hỡi các Tỳ kheo, đối với các pháp chưa từng được nghe trước kia, nhãn quan, tri kiến, trí tuệ, giác ngộ, quán triệt đã khởi lên: Đây là Khổ Diệt Đạo Thánh đế. Đạo đế là con đường dẫn đến sự diệt khổ, con đường tám nhánh hay Bát chánh đạo đã được Đức Phật giảng trong phần trước.
Kinh Chuyển Pháp Luân có vai trò vô cùng quan trọng trong giáo lý Phật giáo, không chỉ là bài pháp đầu tiên mà còn là nền tảng cơ bản của toàn bộ hệ thống giáo lý. Từ đó, người học Phật sẽ có cái nhìn toàn diện về khổ, nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ và con đường diệt khổ, giúp họ tu tập và giải thoát khỏi mọi đau khổ trong cuộc sống. Phê phán các quan điểm cực đoan và xác lập con đường Trung đạo đã giúp người tu học Phật hiểu rõ hơn về con đường mà mình cần đi, tránh rơi vào các cực đoan và từ đó tiến tới sự giải thoát hoàn toàn.