Hộ pháp Khuyến Thiện – Trừng Ác trong quan niệm, tín ngưỡng và không gian Phật giáo Việt Nam
Trong Phật giáo, Hộ pháp là những vị thần phát tâm hộ trì chánh pháp (Chân lý và lời dạy của Phật). Phật Quang từ điển ghi rằng: “Hộ pháp là các vị Thiện thần phát tâm hộ trì Phật pháp, còn gọi là Hộ pháp thần, Hộ pháp thiên. Gồm các vị như Phạm Thiên, Đế Thích, Kim Cang lực sĩ, Tứ Thiên Vương, Hộ thế Bát thiên vương, 18 vị Già Lam thiện thần, Long vương, quỷ thần…”
Tương truyền xa xưa, các vị Thiện thần đã đến để hộ trì Phật pháp. Họ có nhiệm vụ bảo hộ chúng sinh, độ đời, tiêu trừ mọi tai họa, hàng phục ma chướng,…Cũng có quan niệm cho rằng, Hộ pháp là hiện thân tiền kiếp nhiều đời của Bồ tát. Hộ pháp là những vị Thiện thần luôn tự nguyện hỗ trợ, bảo vệ Phật pháp và Phật tử. Mục đích của Hộ pháp là bảo vệ, ủng hộ cho Phật pháp được phát triển và trường tồn mang lại “lợi lạc quần sinh” cho thế gian.
Trong các ngôi chùa Việt ở Bắc Bộ không đầy đủ các tên gọi tượng Hộ pháp như trong kinh sách đã nhắc đến, thông thường chỉ phổ biến một số bộ tượng Hộ pháp sau: Bát Bộ Kim Cương; Vi Đà; Khuyến Thiện – Trừng Ác; Phạm Thiên – Đế Thích; Thiên Lý Nhãn – Thiên Lý Nhĩ, Tứ Thiên Vương. Tượng Hộ pháp xuất hiện sớm nhất ở thời Lý dưới hình thức Kim Cương, canh gác bốn góc tháp. Thế kỷ XVIII xuất hiện tượng Hộ pháp Vi Đà trong không gian chùa. Thế kỷ XIX nở rộ các bộ tượng Hộ pháp như Khuyến Thiện – Trừng Ác, Tứ Thiên Vương, Phạm Thiên, Đế Thích, Thiên Lý Nhãn – Thiên Lý Nhĩ, Tứ Thiên Vương được tôn trí từ Tiền Đường, Thiêu Hương đến Thượng điện chùa. Nhìn chung các hệ tượng Hộ pháp trong chùa Việt thường chia làm hai loại là thiện thần và ác thần. Thiện thần khuyến khích chúng sinh làm điều thiện, ác thần trừng trị cái ác, cảm hóa cái ác đi đến cái thiện. “Các Hộ pháp có một điểm chung là hộ trì Phật pháp không cho cái xấu cái ác trà trộn vào, giúp con người thanh tĩnh, từ bi, một tâm hướng Phật”.
Tượng Hộ pháp tuỳ vào chức năng hộ pháp, trấn trừ hay canh giữ được bài trí theo các tầng không gian trong chùa theo quan niệm Phật giáo. Lần lượt từ tháp cho đến Tiền Đường, Thiêu Hương, Thượng Điện, các tượng Hộ pháp được bài trí uy nghiêm. Hộ pháp canh gác bốn góc tháp Phật có Bát Bộ Kim Cương. Đó là tám vị thần tướng có tấm lòng kiên định, trong sáng như kim cương không một sức mạnh, dục vọng nào có thể lay chuyển, nguyện dùng sức mạnh và tinh thần của mình để bảo vệ sự tôn nghiêm của Phật pháp. Thời Lý, tượng Kim Cương được chia từng cặp canh gác bốn cửa tháp Phật như ở chùa Phật Tích, chùa Long Đọi. Thời Lê Trung Hưng tượng được tôn trí trong không gian Tiền đường hoặc Hành lang như ở một số chùa: chùa Dâu (Bắc Ninh), chùa Mía, chùa Tây Phương (Hà Tây) mỗi bên bốn vị, đăng đối nhau. Các vị đều mang hình vóc to lớn, uy nghi, trong trang phục của các võ tướng, cầm trên tay những cây chùy kim cương đa dạng, thể hiện cho mưa, gió, sấm sét và quyền năng hộ thế trừ bạo.
Tại toà Tiền Đường, tượng Hộ pháp Khuyến Thiện, Trừng Ác với kích thước lớn làm nhiệm vụ giới răn con người từ bỏ điều ác, làm việc thiện. Hai vị Hộ pháp trong trang phục võ tướng, thân hình vạm vỡ, mặc áo giáp trụ, ngồi trên sư tử. Vị Khuyến Thiện khuôn mặt hiền từ, da màu sáng hồng, tay cầm ngọc hoặc báu vật, khuyến khích mọi người làm điều thiện. Vị Trừng Ác, khuôn mặt dữ tợn, da đỏ, tay cầm một trong các pháp khí như: kiếm, long đao, chùy… răn đe mọi người từ bỏ, tránh xa điều ác. Tượng phổ biến trong các chùa Việt từ thế kỷ XIX.
Tại tòa Thiêu Hương, biểu tượng cho tầng trời có tượng Phạm Thiên – Đế Thích là hai vị vua của tầng trời, khi đức Thích Ca đản sinh, các tầng trời hào quang chiếu sáng, hai vị đều xuống hộ pháp. Trong chùa tượng được sắp đặt đứng hai bên tượng Đức Thích Ca Đản sanh, Đế Thích được bày ở bên trái và Phạm Thiên bên phải tượng. Là hai vua cao nhất trong bậc chư Thiên, hai vị được tạc dưới hình thức của vua: Mặc áo long bào, đội mũ bình thiên, tay chắp hoặc cầm hốt, ngồi trên ngai, chân đi hài. Tượng phổ biến trong các chùa Việt từ thế kỷ XIX. Cũng tại tòa Thiêu Hương, phía sau tượng Đức Thích Ca Đản Sanh và Phạm Thiên, Đế Thích là tượng Tứ Thiên Vương đứng hai bên tượng Ngọc Hoàng. Họ là các vị thần canh giữ bốn phương trời còn gọi là Tứ Đại Thiên Vương. Bốn vị đại thần này cư trú tại đỉnh Kiền Đà La nằm ở lưng núi Tu Di hộ trì cõi Dục giới là hóa thân của Bồ tát Kim Cương Thủ, vị Bồ tát cổ xưa nhất, uy phong nhất trong Phật giáo Đại thừa. Các vị thường được tạc trong hình tướng Hộ pháp đứng hoặc ngồi, đầu đội mũ Kim Khôi hoặc mũ trụ, trang phục võ tướng tay mỗi vị cầm một trong những thứ sau: Ngọc, đao, chùy hoặc kiếm, đàn tỳ bà, chiếc ô.
Thuộc các vị thần tướng của Tứ Thiên Vương còn có Hộ pháp Thiên Lý Nhãn – Thiên Lý Nhĩ. “Người Việt quan niệm Quảng mục thiên vương (vị Thiên vương trấn giữ phía Tây núi Tu Di) là Thiên Lý Nhãn, Đa văn thiên vương (Vị Thiên vương trấn phía Bắc núi Tu Di) là Thiên Lý Nhĩ”. Dạng tượng này có ở một số chùa như chùa Đông Lao (Hà Tây), chùa Keo (Thái Bình). Ngoài ra tượng Vi Đà cũng được xem là một trong những thần tướng bảo vệ Phật pháp. Tượng trong dáng đứng nghiêm trang trên những đám mây, mình mặc áo giáp, đầu đội mũ trụ, tay chắp trước ngực theo ấn liên hoa, thanh kiếm gác ngang trên cánh tay trước ngực. Tượng xuất hiện trong chùa từ thời Tây Sơn. Tạo hình lớn như ở chùa Tây Phương hoặc có kích thước nhỏ như chùa Nghi Tàm.
Như vậy, Hộ pháp Khuyến Thiện – Trừng Ác là bộ tượng thần nằm trong số các tượng Hộ pháp Phật được tôn trí tại tòa Tiền Đường chùa. Là hai vị Hộ pháp Thiện thần nằm trong số các Kim Cương thần tướng bảo vệ Phật pháp. Tượng có ý nghĩa khuyến khích con người làm điều thiện, tránh điều ác. Việc thờ tượng Khuyến Thiện và Trừng Ác là thể hiện sự tồn tại biện chứng của hai mặt đối nghịch thiện và ác vẫn thường tồn tại trong cuộc sống, cũng như trong mỗi con người. Đây là một hình thức giáo dục con người sống tốt, thiện tâm, làm việc lành sẽ được thiện thần ủng hộ, làm ác thì bị ác thần trừng phạt. Ngoài ra, “Theo lời Đức Phật, không chỉ có chư thiên mới là Hộ pháp mà tất cả mọi người, ai có tâm ủng hộ Phật pháp, trừ bỏ cái ác, khuyến khích phát triển cái thiện trường tồn ở thế gian, làm lợi cho chúng sinh đều được coi là Hộ pháp”.
Ý nghĩa biểu tượng Hộ pháp Khuyến Thiện – Trừng Ác trong không gian chùa Bắc Bộ Việt Nam
Hộ pháp Khuyến Thiện – Trừng Ác là hai pho tượng lớn về cả kích thước và chiều cao từ 2m đến 4m. “Tượng thường được bày ở hai bên toà Tiền đường theo nguyên tắc “Tả trọng hữu khinh”, trong đó tượng Khuyến Thiện ở bên trái, Trừng Ác ở bên phải. Tượng trong trang phục áo giáp trụ còn gọi là áo “nhẫn nhục” nhằm chống lại dục vọng ham muốn của con người như “tham, sân, si, ái, ố, hỉ, nộ”. Tượng đội mũ Kim Khôi, đi giày Vân Xảo ngồi trên sư tử. Hộ pháp Trừng Ác có mặt đỏ dữ dằn, tay cầm pháp khí; Hộ pháp Khuyến Thiện mặt trắng hiền từ, tay nâng viên ngọc. Với kích thước lớn, tượng Hộ pháp Khuyến Thiện – Trừng Ác thường được làm bằng đất phủ sơn.
Về cấu trúc
Tượng Hộ pháp Khuyến Thiện – Trừng Ác được tạo hình mang tính hoành tráng, uy nghi. Tượng có cấu trúc chung theo khối hình tam giác vững chãi gồm một vị thần lực lưỡng trong trang phục võ tướng, ngồi oai vệ trên mình sư tử. Cách tạo dáng ngồi, tay, vai, chân là sự phối hợp của hai thế ngang dọc vững chãi: Vai ngang, thân thẳng, chân ngồi mở rộng, một chân đặt vuông vức xuống mặt đất, một chân đặt trên đầu sư tử nằm ngang. Tay tượng cũng được bố trí tạo thế ngang dọc với tổng thể tượng: Một tay đặt thẳng lên đầu sư tử hoặc chống lên đùi, một tay cầm đao hoặc truỳ, kiếm dựng thẳng đứng hay cầm ngọn núi. Về cơ bản, hai tượng giống nhau trong tạo hình, trang phục nhưng khác về biểu cảm khuôn mặt, tạo sự đăng đối, tương phản. Tuy có bố cục tương đối tĩnh tại nhưng tượng lại gợi cảm giác động, trấn áp do sự phối hợp của các yếu tố trang trí phụ trợ: Dáng bay của dải lụa phía sau đầu và lưng tượng cùng các họa tiết trang trí trên mũ, áo, giầy như hoạ tiết mây, đao lửa, sóng nước,… Trong các bộ tượng chùa nói chung và tượng Hộ Pháp nói riêng, đây là bộ tượng có tính biểu cảm về tạo hình, trang phục, khuôn mặt và nghệ thuật trang trí phong phú nhất.
Về tạo hình trang phục
Trang phục của tượng Khuyến Thiện – Trừng Ác là bộ giáp phục của võ tướng, gồm: Mũ, áo giáp, quần và hài.
Mũ hay còn gọi là Kim Khôi gồm: Thân, đai, viền mũ, chóp mũ (có thể có gắn các vật linh), hai bên mũ gắn hai dải lụa dài cùng các hoa văn trang trí. Mũ tượng Khuyến Thiện – Trừng Ác có một số dạng sau: Đỉnh mũ có hình bình cam lộ, hình lá sen úp, hình hồ lô, phía trước diềm mũ được trang trí cầu kỳ với một số hoạ tiết: rồng, mặt trời lửa, mây cuộn, hoa cúc, hoa chanh,…
Về cơ bản kiểu mũ và hoạ tiết trên mũ hai tượng Khuyến Thiện – Trừng Ác giống nhau, chỉ khác nhau một vài hoạ tiết và chiều hướng đường nét trên mũ tượng Trừng Ác mang tính động hơn. Sự khác biệt lớn nhất của hai tượng là đường nét, màu sắc và sắc thái biểu cảm trên khuôn mặt hai tượng. Với tượng Trừng Ác khuôn mặt được tạo hình dữ tợn, lông mày cao xếch ngược về đuôi, tô vẽ rậm rạm, mặt chau lại, mồm bặm làm nổi các nếp nhăn trên mặt. Hốc mắt sâu, con ngươi tròn lồi, đôi mắt mở to trừng trừng, mũi to, cằm bạnh, gò má nổi. Màu sắc trên khuôn mặt được tô đỏ gợi vẻ nóng giận. Ở khuôn mặt tượng Khuyến Thiện, đường nét mảnh hơn theo hướng ngang. Lông mày mảnh uốn mềm mại, đôi mắt nét ngang hiền từ nhìn xuống, miệng mỉm cười nhẹ, với sắc màu trắng hồng trên khuôn mặt gợi vẻ hiền hậu, thanh bình.
Áo giáp gồm: Phần giáp che ngực và bụng hay còn gọi là Phiến Tâm Giáp, Bối Giáp (giáp che lưng), Hạ Bàng Giáp (giáp che phần hạ bộ), Thủ Kiên Giáp (giáp che phần trên từ cổ tới vai), Thượng Bác Giáp (che cánh tay), Dịch Oa Giáp (là các miếng da kéo dài từ vai xuống đến hông che đỡ cho hố nách), Hạ Bác Giáp (che phần cổ tay, được thiết kế dạng vòng nối hình ống có khe hở), Trữu Giáp (che đỡ cùi chỏ). Phần Phiến Tâm Giáp (che ngực và bụng) thường phần ngực được chia thành hai ô vuông hoặc tròn có xoáy, bên trong là hoa văn như hoa chanh, hoa văn hình thoi, hình quả trám,… đều đặn phủ kín diện tích bề mặt như một thảm hoa. Phần bụng là hình tượng hổ phù, hoa lá cách điệu. Đai lưng trang trí các ô hình chữ nhật lồng vào nhau. Những hoạ tiết và cách bố cục này được lập lại ở cánh tay áo. Có một chút khác biệt ở phần cổ áo tượng.
Quần gồm ba bộ phận chính được làm giáp cứng là Đại Thối Giáp (che cho bắp đùi), Tiểu Thối Giáp (che đỡ cho bắp chân) và Tất Giáp (che đỡ cho đầu gối). Các miếng giáp này được gắn hoặc vá ngay trên nền quần, phần gấu quần được giấu trong vệ ống quyển của hài. Hoạ tiết trang trí trên quần tinh tế gồm mây, lá sen, hoa cúc đắp nổi, mềm mại. Phần dưới gấu tạo khối bồng bềnh, mềm mại, phủ kín cổ hài. Một số tượng, phần đầu gối trang trí mặt hổ phù, hình nan (chùa Mía), hoa văn xoáy ốc (chùa Thầy), hoa cúc, hoa chanh, mây, sóng nước cách điệu.
Hài của tượng còn có tên là Vô Ưu, Vân Xảo (có ý nghĩa đi mây về gió), cấu tạo gồm bốn phần cơ bản: Vệ ống quyển bảo vệ từ bắp chân xuống đến cổ chân, phần bảo vệ mu và hai bên sườn bàn chân, phần bảo vệ gót chân, phần đế bảo vệ gan bàn chân. Hài có mũi cong lên, uốn vào trong, trang trí hoa lá cách điệu, hình hổ phù…
Về trang trí trên tượng
Trong các tượng chùa, hệ thống tượng Hộ pháp Kim cương và đặc biệt là tượng Khuyến Thiện – Trừng Ác được trang trí cầu kì. Trên thân tượng hệ thống hoa văn dày đặc, đan xen cầu kỳ, nhưng có hệ thống, không làm rối mắt. Hoa văn có chính phụ, to nhỏ lớp trước sau, trên dưới, dày thưa. Trên thân tượng có một số hoa văn trang trí phổ biến: mặt hổ phù, rồng, nghê, mây, sóng nước, hoa lá cách điệu… Trong đó hoạ tiết quan trọng được sử dụng nhiều nhất là mặt hổ phù được trang trí chủ yếu ở phần ngực, bụng, hai đầu gối, hai bên vai áo.
Hổ phù trang trí trên tượng có hình chữ vương thể hiện uy lực, sức mạnh phi thường của vị thần tướng trên trời. Mặt hổ phù trước ngực và đầu gối đang nuốt hình chữ nhân tượng trưng cho sự chiến thắng, sức mạnh vô biên. Mặt hổ phù ở phần ngực và đầu gối ngậm chữ thọ mang ý nghĩa trường tồn (Tượng chùa Thầy, chùa Dương Liễu). Có thể thấy hình tượng hổ phù xuất hiện ở bất kỳ vị trí quan trọng nào ở trên bộ giáp nhằm làm tăng vẻ oai phong cũng như sức mạnh vô địch cho các vị bảo vệ Phật pháp. Hình tượng rồng chầu mặt trời, rồng hý thủy được trang trí trên áo giáp, mũ một số tượng (tượng chùa Thầy, chùa Bút Tháp). Mô típ hoa văn khác xuất hiện khá nhiều trên tượng là mây xoắn, chữ S, vân dấu hỏi biểu tượng cho những tia chớp bố cục thành cụm thể hiện ước vọng mưa thuận, gió hòa.
Ngoài ra còn có hoa văn hình tượng sóng nước, hoa lá (hoa cúc, hoa chanh, hoa sen…) được cách điệu, sinh động, tạo sự gần gũi. Hoa văn không chỉ đơn thuần trang trí cho bộ áo giáp thêm đẹp, linh thiêng mà ẩn chứa sau đó là những biểu tượng hàm chứa ước vọng về những điều may mắn, tốt đẹp gắn với cư dân nông nghiệp, đặc biệt là mưa thuận, gió hòa.
Ý nghĩa biểu tượng của tượng Hộ pháp Khuyến Thiện – Trừng Ác
Hình tượng Hộ pháp Khuyến Thiện – Trừng Ác trong trang phục của nhà võ với cách tạo hình cùng những yếu tố trang trí trên trang phục, khí giới góp phần tạo ra uy lực, thần lực để biểu dương sức mạnh răn đe bất cứ thế lực nào có ý định xâm phạm sự uy nghiêm của Phật pháp.
Trừng Ác khuôn mặt màu đỏ gân guốc, mắt mở to, cơ mặt nổi căng, thế dáng dữ dằn, tay ở thế quyền và cầm pháp khí chắc chắn, các khối được diễn tả gồ ghề sắc cạnh nhằm tạo uy lực, sự răn đe, tư thế sẵn sàng chiến đấu. Khuyến Thiện là tượng có khuôn mặt trắng hồng, khối căng tròn đầy, đường nét mềm mại, pháp khí chỉ cầm hờ nhằm tạo ra sự khoan dung, nhân hậu, khuyến khích điều thiện. Hai kiểu thức đó được kết hợp với nhau trong một không gian chung đã tạo ra một chỉnh thể hài hòa, thống nhất bao gồm hai mặt đối lập tính cương và tính nhu, sự cương quyết, cứng rắn với sự khoan dung từ bi, tính khuyến thiện đi đôi với trừng ác.
Dân gian vẫn thường có câu: “To như ông Hộ Pháp” để nói lên dáng vẻ khổng lồ oai vệ của Ngài. Ngoài vẻ nghiêm nghị, cương quyết, tượng còn được thể hiện sức mạnh mang tính siêu nhiên. Đầu đội mũ kim khôi, mình mặc giáp trụ để ngăn ngừa tam độc, nhờ đó mà giữ được cái tâm trong sáng và cương quyết như kim cương.
Tượng hai vị Hộ pháp hai bên trong tư thế đối lập, trái ngược nhau nhưng lại tương trợ cho nhau, thống nhất hài hòa lẫn nhau, hiển lộ minh triết sâu xa tư tưởng vì sự an bình của Phật giáo Việt Nam. Tượng Khuyến Thiện mặt trắng, nét mặt thanh thản, đặt bên tay trái bàn thờ Phật tay cầm viên ngọc thiện tâm. Tượng ngồi trên lưng sư tử, tượng trưng cho sức mạnh trí tuệ. Vì chỉ có trí tuệ sáng suốt và cái tâm thanh tịnh thì mới loại trừ được ác nghiệp. Đó cũng là chân lý để đi tìm con đường giải thoát, mưu cầu hạnh phúc vĩnh viễn. Hình tượng sư tử là một con vật dữ tợn, có sức mạnh, có trí tuệ đã phải quy phục, quỳ nâng đỡ các vị thần. Qua đó muốn nói lên ý nghĩa: Sức mạnh và uy lực của Phật giáo đã thu phục, chế ngự được mọi sức mạnh vật chất khác. Ngoài nhiệm vụ răn dạy con người tránh ác, hành thiện, bộ tượng còn mang ý nghĩa biểu trưng về sự đối lập thiện – ác, sáng – tối trong cuộc sống cũng như trong bản thân mỗi con người. Quan trọng là khuyến khích con người hướng tới tính thiện sẵn có trong tâm.
Qua cửa tam quan, mang ý nghĩa là ba quan điểm triết lý của Phật giáo: Không quan: Tức cái không (vô thường); Hữu quan: Tức có cái sắc (giả tướng); Trung quan: Trung đạo. Còn gọi là trung giải thoát môn: Không; vô tướng, vô nguyện (tác). Như vậy, chúng ta đến với chùa, khi bước chân qua tam quan, tâm hồn của mỗi con người đã trở nên thanh tịnh. Tiền Đường, Thiêu Hương, Thượng Điện, ba kiến trúc quan trọng nhất, nơi thể hiện rõ triết lý của nhà Phật. Tiền đường nơi đặt các bộ tượng: Hộ pháp, Bát Bộ Kim Cương với tính chất bảo vệ, trấn trừ. Tượng Thập Điện Diêm Vương tượng trưng cho tầng địa ngục phán xét, luận tội, trừng phạt đối với con người sau khi chết. Tượng Thánh Tăng, Đức Ông cùng với bộ tượng Khuyến Thiện, Trừng Ác tượng trưng cho việc giáo hóa chúng sinh ở Trần Gian. Thiêu Hương với hệ thống tượng đại diện cho tầng trời: Tượng Ngọc Hoàng, Thích Ca Đản sanh, xung quanh có hộ pháp Tứ Thiên Vương hay Phạm Thiên, Đế Thích. Cao nhất là tòa Thượng Điện tượng trưng cho cõi Niết bàn với hệ thống tượng Phật, tượng Bồ tát… cùng các tượng hộ pháp như Vi Đà, Thiên Lý Nhãn – Thiên Lý Nhĩ…
Có thể nói, Hộ Pháp Khuyến Thiện – Trừng Ác một sáng tạo của nghệ thuật điêu khắc Phật giáo Việt Nam. Tách ra từ tượng Bát Bộ Kim Cương, tượng vừa có điểm chung vừa có điểm riêng. Đó là trang phục tương đồng, hoạ tiết trang trí, cách bố cục các hoạ tiết, kiểu mũ, áo, giầy, pháp khí…Tuy nhiên, việc phóng to kích thước, đặt trên sư tử, nhân hóa các mô típ trang trí hoa lá, hiện tượng tự nhiên, cùng sự biểu cảm của khuôn mặt, phù hợp với chức năng của tượng tại tòa Tiền đường đã tạo được giá trị sáng tạo riêng của tượng Hộ pháp Việt Nam.
Bộ tượng đã góp phần hoàn thiện hệ thống tượng chùa Việt Nam, đặc biệt là từ thế kỷ XIX cho đến nay. Không chỉ sáng tạo, mang giá trị của tượng Phật giáo Việt Nam, tượng hai vị Hộ pháp uy nghi còn cho chúng ta thấy ý nghĩa minh triết của Phật giáo. “Khuyến Thiện – Trừng Ác” tạo nên cặp phạm trù có giá trị mang tính quy luật. Hai vị Hộ pháp tuy đối lập, trái ngược nhau, song lại thống nhất, hỗ trợ nhau không thể tách rời. Xét đến cùng biểu tượng Hộ pháp Khuyến Thiện – Trừng Ác trong không gian chùa Việt muốn chuyển tải ý nghĩa, mục đích tốt đẹp vì con người và do con người, luôn hướng con người thoát khỏi mọi khổ đau, để hưởng an vui.